Chuyển cấp không chỉ còn là nỗi lo lắng của riêng học sinh với các kỳ thi mà đã là nỗi bận tâm của tất cả các bậc cha mẹ. Rất may là chương trình giáo dục phổ thông chỉ chuyển cấp 3 lần, dù chỉ 3 lần thôi cũng đã đủ khiến cả nhà đau đầu rồi.
Thế nhưng các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng vào dịp này mà thay vào đó hãy xem rằng đây là dấu mốc quan trọng trên chặng đường đồng hành cùng con. Để làm được điều đó, các cha mẹ cũng phải “chuyển cấp” trong tư tưởng và hành động. Làm gì để giúp con hòa nhập tốt hơn khi chuyển cấp và không ảnh hưởng đến kết quả học tập, cha mẹ có thể tham khảo những gợi ý sau đây của nhà Kiến nhé!
1. Chuyển lên Tiểu học
Lần chuyển cấp đầu tiên này khá đặc biệt và cũng là lần dễ thở nhất đối với cả gia đình. Chương trình Tiểu học nhìn chung không có gì quá khó khăn đối với phần lớn các em học sinh. Các em sẽ được chấm điểm một số môn học, thế nhưng cha mẹ đừng quá quan trọng điểm số này mà gây áp lực lên con mình.
Đây là một giai đoạn quý giá để cha mẹ cùng học với con những bài học đầu tiên và qua đó phát hiện, tạo dựng nên lòng ham mê kiến thức nơi con trẻ. Đối với smartphone cần chú ý và kiểm soát nội dung chặt chẽ để đảm bảo bé con của bạn tiếp cận với những nội dung hữu ích và lành mạnh nhất với thời gian hợp lý nhé.
2. Chuyển lên cấp Trung học cơ sở (THCS)
Đây là lần chuyển cấp khó nhằn cho cả cha mẹ lẫn học sinh, các em sẽ phải làm quen với nhiều môn học lẫn cách học mới. Sẽ không còn một giáo viên chủ nhiệm dạy tất cả các môn mà phải học với nhiều giáo viên đảm nhận từng bộ môn. Sự xuất hiện của nhiều môn học mới như Lý, Hóa, Công nghệ… hoặc sự mở rộng của Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh có thể sẽ khiến các em bị hụt hơi. Sự khác biệt lớn nhất ở cấp THCS so với Tiểu học là đòi hỏi các em phải tự học nhiều hơn. Mặc dù vẫn có giáo viên hướng dẫn, tuy nhiên chương trình đã bắt đầu yêu cầu học sinh phải bước đầu nghiên cứu sách giáo khoa, tự đặt câu hỏi, luyên tập trình bày vấn đề và làm việc nhóm.
Về phần cha mẹ, cần hiểu rằng khi con lên lớp 6 cũng chính là thời điểm đánh dấu bước thay đổi lớn trong tâm sinh lý của trẻ. Các em sẽ bắt đầu bước vào lứa tuổi dậy thì nổi loạn, khó bảo khó chiều. Tuy vẫn còn nhỏ nhưng sẽ có ý thức hơn về sự trưởng thành của mình. Lúc này chính là thời điểm then chốt để cha mẹ trở thành những người bạn lớn của con, để đồng hành và xây dựng những phẩm chất tốt đẹp cho con trong tương lai.
Điều quan trọng nhất chính là cha mẹ cần phải hướng dẫn và động viên con tự học. Ngoài ra có thể cùng con luyện tập các kỹ năng làm việc nhóm và thảo luận từ những vấn đề gần gũi thường nhật như: cách trình bày một thời gian biểu, thảo luận về lợi ích của việc đi ngủ sớm,… Các bậc cha mẹ cũng nên tạo nên hứng thú học tập cho con bằng việc sử dụng các tiện ích của công nghệ và đặc biệt là internet để giúp môi trường học tập của con sinh động hơn.
3. Chuyển lên cấp Trung học phổ thông (THPT)
Vì đã có kinh nghiệm từ hai lần chuyển cấp trước nên lần này sẽ không gây quá nhiều khó khăn đối với cả gia đình. Tuy nhiên, đây lại là cấp học quan trọng nhất đối với tương lai của các em học sinh, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Sự thay đổi lớn nhất ở cấp học này là độ khó tăng cao và yêu cầu học sinh dành rất nhiều thời gian để học. Đối với phụ huynh, cần phải chuẩn bị hướng nghiệp cho con qua những buổi nói chuyện để cùng nhau tìm ra sở thích, sở trường và mong ước của con.
Ở cấp học này, các con đã lại trưởng thành hơn lứa tuổi trước và phần nhiều có thể sẽ bắt đầu những rung động với bạn khác giới. Cha mẹ không nên cấm cản chuyện này vì đây là thay đổi tâm sinh lý tất yếu của lứa tuổi, hãy thật cởi mở để con có thể tự nhiên chia sẻ và không ngại giấu diếm. Thay vì ngăn cản những mối tình học sinh, cha mẹ nên tham gia vun đắp và xây dựng với định hướng cho cả hai bạn nhỏ trở thành đôi bạn hỗ trợ nhau trong học tập. Với khối lượng kiến thức khổng lồ của cấp THPT, cha mẹ sẽ không đủ thời gian và sức lực để hỗ trợ, tại sao không để cả hai bạn nhỏ cùng nhau cố gắng và tiến bộ phải không nào?
Ngoài ra, thời đại công nghệ 4.0 giờ đây đã cho phép cha mẹ dễ dàng sát cánh cùng con trong học tập hơn trước với những ứng dụng E-learning có lộ trình học tập rõ ràng.